Bối cảnh Trận_Liegnitz_(1760)

Năm 1759 là một năm thắng lợi liên tiếp của liên minh Nga-Áo trong chiến tranh Bảy năm. Tại Brandenburg, quân đội Nga do nguyên soái Pyotr S. Saltykov chỉ huy đã phối hợp với cánh quân Áo của tướng Gideon von Laudon nghiền nát quân chủ lực của vua Phổ Friedrich II trong trận Kunersdorf, loại hơn 2 vạn quân Phổ khỏi vòng chiến đấu.[7] Tại Sachsen, quân chủ lực Áo do thống chế Leopold von Daun chỉ huy đã chiếm Dresden và bắt gọn 13 nghìn binh tướng Phổ trong trận Maxen. Chỉ có các điều kiện hạn chế của chiến tranh thế kỷ 18 và mâu thuẫn giữa các chỉ huy quân đội liên minh mới ngăn được sự thất bại hoàn toàn của Phổ trong năm 1759.[8]

Sau một thời gian hai bên trú đông và chỉnh đốn lực lượng, chiến cuộc tiếp diễn vào tháng 6 năm 1760 khi tướng Áo Laudon tổ chức tấn công giành lại Schlesien – một tỉnh của Áo bị Phổ chiếm từ năm 1740. Ngày 23 tháng 6, quân Áo bắt được trấn thủ Schlesien là Fouqué cùng hơn 8 nghìn quân của ông ta gần thị trấn Landeshut phía nam Schlesien[9]. Friedrich điều gấp quân chủ lực Phổ từ Gross-Dobritz (Sachsen) về cứu Schlesien. Cùng lúc đó, Daun cũng đem quân từ Sachsen sang chi viện cho Laudon, và đến ngày 7 tháng 7 quân chủ lực Áo đã bỏ xa quân Phổ trên con đường đến Schlesien. Friedrich đưa quân trở lại Sachsen để đánh tiêu hao lực lượng Áo tại đây và thu hút Daun khỏi Schlesien.[10][11] Ngày 13 tháng 7, Friedrich tiến hành bao vây chiếm lại Dresden. Quân Phổ điều đại bác bắn phá ác liệt vào thành phố, nhưng đồn binh Áo kiên quyết không đầu hàng. Đêm ngày 18 tháng 7, quân chủ lực Áo đã về tới Sachsen và bức rút được địch khỏi Dresden.[11][12]

Cục diện tại Schlesien

Trong lúc Friedrich đánh phá Dresden, cánh quân Áo của Laudon đã tiến sâu vào Schlesien và lấy được thành trì Glatz vào ngày 29 tháng 7. Kế đến Laudon tiến hành bao vây, uy hiếp thủ phủ Breslau.[13][10] Cùng lúc đó, tư lệnh Nga Saltykov đã hạ lệnh cho tướng Zakhar G. Chernyshov cầm 25 nghìn quân từ Ba Lan vượt sông Oder tiến vào Schlesien và hội quân với Laudon.[10][13] Dưới áp lực từ các sự kiện này, ngày 29 tháng 7 Friedrich giao cho một quân đoàn nhỏ đóng giữ Sachsen, còn bản thân mình dẫn 3 vạn quân lên hướng đông bắc để ngăn chặn cuộc tấn công của quân Áo vào Schlesien, đồng thời ngăn không cho quân đội Áo hội quân với Nga. Em ruột Friedrich là thân vương Heinrich cũng rút 38 nghìn quân từ Landsberg trên bờ nam sông Oder vào Schlesien. Ngày 5 tháng 8, Heinrich đã giải vây cho Breslau và tổ chức tuyến phòng thủ đề phòng quân Nga đánh vào thành phố.[10][13]

Friedrich II trong đêm trước trận Liegnitz, tranh của Carl Röchling.

Sau khi Friedrich rút khỏi Sachsen, Daun cũng tiến quân về Schlesien theo một tuyến song song với đường hành quân của địch. Đầu tháng 8 năm 1760, quân Daun đã đến Schlesien trước địch và hội quân với Laudon, nâng tổng số quân Áo ở Schlesien lên 9 vạn người.[10] Đến ngày 7 tháng 8, quân của Friedrich mới về tới huyện Bunzlau (Schlesien). Sau đó, ông ta dự định hành quân tới trung tâm Breslau-Schweidnitz để hợp binh với Heinrich và đặt mình vào giữ 2 đạo quân Nga-Áo; song để làm được điều này, Friedrich phải vượt sông Katzbach gần doanh trại quân Áo vốn đông gấp 3 lần quân Phổ. Ngày 10 tháng 8, Friedrich tổ chức hành quân dọc theo bờ bắc sông Katzbach, vòng qua sườn phải quân Áo và tiến tới vùng trung tâm Schlesien, nhưng quân Phổ vừa mới xuất hành thì đại quân Áo trên bờ nam đã phát giác và triển khai đội hình chiến đấu. Quân Phổ dừng chân và đóng trại trên các đồi phía tây thị trấn Liegnitz.[13][14]

Đêm ngày 14 tháng 8, Daun nhận định thời cơ đã đến để tiêu diệt quân đội Phổ. Ông ta tổ chức quân chủ lực của mình thành 4 hàng dọc tiến đánh doanh trại địch, đồng thời hạ lệnh cho Laudon mang 24 nghìn quân vượt sông Katzbach gần Liegnitz. Chủ trương của Daun là để Laudon tấn công trực diện và cầm chân địch cho đến khi quân chủ lực kéo đến; sau đó Daun sẽ đánh ập vào sườn và lưng địch.[15][16][10] Mặc dù không hay biết về kế hoạch này, Friedrich trong đêm đó đã bí mật tổ chức một cuộc hành quân mới dọc theo bờ bắc sông Katzbach; lần này ông ta không vượt sông tại Liegnitz mà là tại Parchwitz.[15] Để đánh lừa quân Áo phát hiện động thái này, Friedrich bố trí một số toán lính gác ở lại doanh trại cũ gần Liegnitz và tiếp tục đốt lửa trại xuyên suốt đêm. Trên đường hành quân, Friedrich được một sĩ quan Áo đào ngũ là Wise tiết lộ về kế hoạch tấn công của Daun.[2][17] Friedrich ngừng tiến quân và lập doanh trại trên một cao nguyên hướng đông bắc Liegnitz. Cao nguyên này khống chế toàn bộ vùng đồn trống phía tây và nam. Để tránh trường hợp quân mình bị kẹt vào giữa 2 cánh quân của Daun và Laudon, Friedrich bố trí quân cánh trái (do nhà vua trực tiếp chỉ huy) nhìn sang hướng đông bắc và cánh phải (do trung tướng Hans von Ziethen chỉ huy) nhìn sang hướng tây nam.[18][16]